Tháng Tư 26, 2024
điểm chuẩn sẽ giảm

Điểm chuẩn ĐH sẽ giảm 1-4 điểm đặc biệt là khối A,A1,D

Theo dự báo của các trường, điểm chuẩn năm nay nhiều khả năng sẽ giảm so với năm trước. Đặc biệt các trường tuyển sinh khối A (toán, lý, hóa) đưa ra dự báo điểm chuẩn sẽ giảm từ 1-4 điểm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, dựa trên số thí sinh năm 2018 và chỉ tiêu của các trường, sẽ có khoảng 230.000 thí sinh không trúng tuyển ĐH, các trường CĐ sư phạm.

Điểm chuẩn sẽ giảm từ 1-4 điểm

ThS Nguyễn Văn Đương, phó trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định đề thi THPT quốc gia năm nay hơi khó so với năm ngoái. Vì vậy điểm chuẩn của các khối thi truyền thống năm nay dự kiến thấp hơn năm trước 2-3 điểm.

“Tuy nhiên, đây mới chỉ là cảm nhận, đánh giá ban đầu, phải chờ sau khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm các môn thi khi đó mới có thể dự báo tương đối chính xác” – ông Đương nói.

Bên cạnh đó, sau khi có kết quả thi, thí sinh có khoảng thời gian để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Nếu mặt bằng chung điểm không cao nhưng số thí sinh đạt mức điểm cao tập trung đăng ký vào trường thì khi đó điểm chuẩn sẽ không thấp.

“Những năm trước điểm chuẩn của trường chúng tôi đều từ 20 điểm trở lên. Do vậy, theo dự báo chủ quan của tôi, điểm sàn của trường sẽ không dưới 16 điểm. Năm nay trường sẽ không tuyển sinh theo nhóm ngành mà tuyển theo từng ngành/chuyên ngành nên sẽ có nhiều mức điểm sàn” – ông Đương cho biết.

Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đánh giá đề toán năm nay cực kỳ khó, phổ điểm sẽ giảm từ 2-2,5 điểm. Trong khi bài thi khoa học tự nhiên sẽ giảm từ 1-1,5 điểm. Còn đề môn văn và tiếng Anh cũng khó so với năm trước.

“Mấy hôm nay tôi trực tiếp trao đổi với các thí sinh ở nhiều tỉnh thành cả nước, các em đều dự đoán chỉ đạt mức 20-21 điểm (khối A). Khảo sát thí sinh dự báo mức điểm trong kỳ thi năm nay trên website trường cũng cho thấy phần lớn các em tự chấm mình đạt 21 điểm trở xuống.

Tôi dự báo điểm chuẩn của trường năm nay sẽ giảm từ 1-4 điểm, tùy ngành. Nhiều khả năng điểm sàn các ngành chương trình chất lượng cao là 15 điểm, các ngành chương trình đại trà 17 điểm. Bên cạnh đó, một số ngành có lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều sẽ có mức điểm sàn cao hơn” – ông Dũng chia sẻ.

Các trường sẽ xét tuyển thuận lợi hơn

Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng đối với một kỳ thi chung như kỳ thi THPT quốc gia, việc đề khó hay dễ không quan trọng lắm.

“Đề thi chung thì khó hay dễ cũng là chuyện chung. Vì vậy, theo tôi, thí sinh không nên quá lo lắng về đề khó, điểm thấp” – ông Hùng khuyên.

Cũng theo ông Hùng, mặc dù nhiều dự báo mặt bằng điểm năm nay sẽ thấp nhưng ông Hùng dự báo điểm sàn của trường nếu giảm cũng sẽ ở mức 17 điểm (thấp hơn năm ngoái 1 điểm).

ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng đề khó là khó chung.

Theo ông Quán, đề thi năm nay cho thấy có 60% câu kiến thức cơ bản nên học sinh có học lực trung bình đều có thể làm được. Còn 40% câu khó để xét tuyển vào ĐH.

Như vậy điểm cao hay thấp chỉ có ý nghĩa xét tuyển ĐH, cho nên các em coi mình đạt bao nhiêu điểm, coi phổ điểm các môn vào sau ngày 11-7 và lúc đó chọn lại ngành học, trường học để thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 19-7.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho rằng với sự phân hóa đề thi tốt thì công tác xét tuyển của các trường có nhiều thuận lợi hơn. Với các môn như toán hay khoa học tự nhiên thì để có mức điểm 8 trở lên, chỉ có các em thực giỏi mới đạt được.

“Theo đánh giá của tôi, các ngành, trường có mức điểm hằng năm trong khoảng 18-22 điểm sẽ có ít biến động giảm hơn. Các ngành, trường hằng năm có mức điểm trên 24 sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, tuy nhiên mức độ giảm có thể là không quá nhiều do số lượng thí sinh năm nay dự thi cũng đông hơn năm 2017” – ông Sơn nhận định.

Nguồn: TRẦN HUỲNH/ tuoitre.vn