Tháng Ba 29, 2024

Đề thi đánh đố, điểm cao một phần nhờ may rủi?

Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh thành thực thổ lộ đã gặp may nhờ đánh “lụi”.

Ngay cả thí sinh đạt điểm 10 môn toán cũng cho biết có phần nhờ may mắn bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều nhà chuyên môn cho biết với những đề thi kiểu đánh đố như năm nay thì hệ quả đó là đương nhiên.
Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, với kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nếu có xếp loại tốt nghiệp thì sẽ có các loại sau: trung bình, khá, giỏi và… may mắn.

10 câu khó, khoanh “lụi” trúng 7 câu

X.H, học sinh lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, tỉnh Kiên Giang đạt 23,05 điểm khối A1. X.H chia sẻ: “Điểm số đó phản ánh đúng thực lực của em. Nhưng điều em tiếc nhất là rất nhiều bạn lớp em gặp may, riêng em không như vậy. Chẳng hạn, toán em làm được 40 câu, trong đó sai một số câu, 10 câu còn lại em không trúng câu nào, nên em chỉ đạt đúng điểm thực của mình là 7,4 điểm. Trong khi đó, các bạn lớp em rất may, nhiều bạn nhờ môn toán khoanh “lụi” trúng 5 – 6 câu/10 câu mà được hơn 8 điểm”.
Theo X.H, kỷ lục người đạt may mắn của trường mình là một bạn nữ, với môn lý. Đề có 40 câu, bạn nữ này chỉ làm được 30 câu được 7,5 điểm, khoanh “lụi” 10 câu thì trúng 7 câu được thêm 1,75 điểm, nâng tổng điểm môn lý lên thành 9,25. Ngoài ra có một bạn nhờ “lụi” nên đưa được điểm toán từ 7,0 lên thành 8,2 điểm. “Oái oăm ở chỗ mấy bạn học bình thường nhờ “lụi” trúng điểm cao khá nhiều. Bạn học toán xuất sắc nhất lớp chỉ đạt 8,2, thậm chí thấp hơn nhiều so với các bạn học làng nhàng nhưng ăn may”, X.H cho biết.
Đỗ Xuân Long, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét: “Đề thi năm nay không còn là đề thi tốt nghiệp nữa mà thực sự nó đã biến thành đề thi để thử độ may mắn của chúng em”. Theo Long, hầu hết các bạn trong lớp chuyên toán đều không thể làm hết bài thi. “Tất cả những bạn mà em hỏi đều cho biết họ đều phải khoanh bừa ở khoảng 7 – 8 câu, có bạn là 10 – 15 câu cuối”, Long cho biết.

Hợp lý về xác suất nhưng vô lý về nguyên lý giáo dục

Theo ông Lê Đức Vĩnh, nguyên trưởng bộ môn toán, Học viện Nông nghiệp VN, qua kỳ thi THPT quốc gia năm nay cho thấy Bộ GD-ĐT nhầm lẫn về khái niệm khó của một đề thi. “Quá khó” của đề thi trắc nghiệm toán năm nay thực ra là quá khó về thời gian. Lẽ ra mỗi câu chỉ được sử dụng thời gian trung bình 1,8 phút. Nhưng có 10 câu để tìm ra kết quả đúng, thí sinh phải làm trong khoảng thời gian 10 phút mỗi câu.

Ông Vĩnh tính toán, giả sử học sinh khá giỏi toán của cả nước (là đối tượng hướng đến của 10 câu hỏi khó) ước tính gần 10%, tức khoảng 100.000 em. Mỗi em trong số 100.000 này về nguyên tắc phải được điểm môn toán từ 8 trở lên. Trong khi đó xác suất một người nhắm mắt đánh bừa 5 câu để được 1 điểm là 1/1.024. Theo cách suy luận này nếu 100.000 em đạt điểm 8 theo thực lực chỉ cần nhắm mắt tô đen 10 câu khó thì cả nước có khoảng 1.000 thí sinh đạt điểm từ 9 điểm toán trở lên cũng là hợp lý. “Nhưng sự hợp lý về mặt xác suất lại là sự vô lý về nguyên lý giáo dục, vô lý trong cách dạy học sinh tính trung thực và tư duy chính xác. Nó khiến những lớp học trò còn trong trắng học theo cái sự không trung thực bằng cách tô bừa những câu khó vì không đủ thời gian làm bài”, ông Vĩnh nhận xét.

Theo tiến sĩ Lê Thống Nhất, một chuyên gia về toán, đề khó không phù hợp với thời gian làm bài đã đẩy học sinh phải hoàn thành bài thi hú họa. Vì thế những điểm 9, 10 và kể cả phổ điểm môn toán không chứng minh được điều gì về đề thi môn toán THPT quốc gia 2018. TS Nhất nói: “Bàn về đề thi có đúng là đề thi trắc nghiệm môn toán với thời gian thi 90 phút hay không, tôi vẫn chờ câu trả lời, chờ một cuộc đối thoại với tổ ra đề thi môn toán THPT quốc gia, thậm chí chờ một hội thảo về chuyện này”.

Nguồn: Thanh Niên